• Theo dõi chúng tôi
VÌ SAO GIÁ NƯỚC BIẾN ĐỘNG?
18/06/2022

VÌ SAO GIÁ NƯỚC BIẾN ĐỘNG?


(Xây dựng) – Theo ông Nguyễn Hồng Tiến – Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng), việc điều chỉnh giá nước là cần thiết khi các yếu tố cấu thành giá nước có biến động về giá như: Điện, mức lương tối thiểu, chất lượng dịch vụ cấp nước… Trong điều kiện ngân sách các tỉnh miền núi thường khó khăn nên việc hỗ trợ người dân về giá nước là hạn chế.

Xin ông cho biết, nguyên nhân tăng giá nước tại nhiều tỉnh trên toàn quốc?

– Phương án giá nước sạch tại các tỉnh được đơn vị cấp nước lập và trình UBND cấp tỉnh phê duyệt theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT ngày 15/5/2012 của Liên bộ Tài chính – Xây dựng – NN&PTNT. Trong đó, phương án giá nước được xác định theo 3 loại chi phí: Chi phí sản xuất (bao gồm chi phí vật tư trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sản xuất chung); Chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng.

Theo quy định tại Điều 4 về nguyên tắc điều chỉnh giá “Hàng năm, khi các yếu tố cấu thành chi phí sản xuất, cung ứng nước sạch… có biến động hoặc khi có sự thay đổi về công nghệ xử lý nước, quy chuẩn chất lượng dịch vụ; sự thay đổi về cơ chế chính sách của Nhà nước có liên quan làm giá thành tiêu thụ nước sạch tăng (hoặc giảm) thì cấp có thẩm quyền… phải xem xét điều chỉnh tăng (hoặc giảm) khung giá, mức giá tiêu thụ nước sạch cụ thể cho phù hợp”.

Vì vậy, hàng năm khi có biến động các yếu tố cấu thành giá nước (ví dụ như giá điện, mức lương tối thiểu, chất lượng dịch vụ cấp nước…) thì việc điều chỉnh giá nước nước là cần thiết.

Nguyên nhân do đâu các tỉnh xu hướng xây dựng lộ trình tăng giá nước?

– Nhằm bảo đảm các nhu cầu sử dụng nước và nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước, các đơn vị cấp nước phải thường xuyên đầu tư, cải tạo, mở rộng mạng lưới đường ống cấp nước; ứng dụng công nghệ thông tin và thiết bị, công nghệ hiện đại; theo quy hoạch, kế hoạch kết hợp đầu tư mới hoặc nâng công suất nhà máy nước, hệ thống cấp nước.

Các chi phí đầu tư lớn nêu trên khi đưa vào phương án giá nước sẽ làm giá nước tăng mạnh và ảnh hưởng đến khả năng chi trả tiền nước của người dân. Chính vì vậy, nhằm hạn chế tác động của việc tăng giá nước đột ngột, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân, các đơn vị cấp nước xây dựng lộ trình tăng giá nước trình UBND cấp tỉnh phê duyệt.

Có ý kiến cho rằng, do suất vốn đầu tư xây dựng công trình nhà máy cấp nước tăng, nên giá nước sạch cũng phải tăng? Quan điểm của ông về vấn đề này?

– Để đáp ứng yêu cầu chất lượng dịch vụ cấp nước ngày càng cao theo mức sống của người dân, công trình nhà máy nước được đầu tư xây dựng mới với công nghệ ngày càng hiện đại và tự động hóa cao, chính vì vậy suất vốn đầu tư xây dựng công trình tăng.

Suất vốn đầu tư xây dựng tăng chỉ ảnh hưởng đến giá nước khi thực hiện đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa lớn hệ thống cấp nước và không ảnh hưởng nhiều đối với hệ thống cấp nước đang vận hành ổn định. Vì vậy, về cơ bản không thể nói suất vốn đầu tư xây dựng công trình nhà máy cấp nước tăng, nên giá nước sạch cũng phải tăng.

Người dân tại các địa bàn vùng núi như tỉnh Sơn La, thường băn khoăn vì giá nước tại địa bàn cao hơn giá nước ở các tỉnh vùng đồng bằng. Trong khi đó, ngân sách của các tỉnh miền núi thường khó khăn, nên việc hỗ trợ người dân về giá nước là hạn chế. Ông có đề xuất giải pháp gì cho tỉnh Sơn La về vấn đề này?

– Với đặc thù vùng núi, các khu vực đô thị, dân cư thường phân tán với quy mô nhỏ, mật độ thấp dẫn đến nhu cầu sử dụng nước sạch thấp. Tuy nhiên, chi phí đầu tư các trạm cấp nước, mạng lưới cấp nước, chi phí vận chuyển nước đến các khu vực ở xa thường rất khó khăn và tốn kém, tỷ lệ thất thoát nước sạch ở khu vực miền núi cũng thường cao gây tổn thất nước sạch. Bên cạnh đó, do nhu cầu sử dụng nước sạch thấp nên quy mô công suất nhà máy nước cũng thấp và suất đầu tư nhà máy nước quy mô nhỏ thường cao hơn nhà máy nước quy mô lớn. Tất cả các chi phi đầu tư này cao hơn so với vùng đồng bằng nên giá thành nước sạch thường cao hơn.

Theo quy định hiện hành, hoạt động cấp nước là hoạt động sản xuất kinh doanh, giá tiêu thụ nước sạch phải được tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất hợp lý, giá thành toàn bộ trong quá trình sản xuất, phân phối, tiêu thụ nước sạch. Trong điều kiện ngân sách các tỉnh miền núi thường khó khăn nên việc hỗ trợ người dân về giá nước là hạn chế, đặc biệt đối với các khu vực dân cư nông thôn vùng sâu vùng xa.

Một số giải pháp đề xuất cho tỉnh Sơn La như sau: Đối với đơn vị cấp nước: Triển khai thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn, cung cấp nước ổn định và đảm bảo chất lượng nước. Tỷ lệ thất thoát nước sạch của tỉnh Sơn La còn cao, vì vậy cần đẩy mạnh thực hiện công tác giảm thất thoát nước sạch trên địa bàn nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển cấp nước. Phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức truyền thông nhằm nâng cao ý thức sử dụng nước, bảo vệ hệ thống cấp nước, chống thất thoát nước sạch và tạo sự ủng hộ của người dân trong việc sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung.

Đối với chính quyền địa phương: Có những cơ chế chính sách kịp thời hỗ trợ về giá nước sạch cho những hộ nghèo, gia đình có công với cách mạng, những hộ vùng sâu vùng xa đặc biệt khó khăn về nguồn nước.

Đối với người dân: Cần nâng cao ý thức sử dụng nước sạch, sử dụng nước có hiệu quả và tích cực thông báo những sự cố xảy ra đối với chất lượng nước hoặc rò rỉ nước.

Xin cảm ơn ông!

Cao Thanh (thực hiện)